
Tâm sự về Mắt Biếc.
Buồn man mác, là một nỗi buồn vắng lặng, âm u và thật ám ảnh. Nó có thể khiến ta
đượm buồn trong vài ngày, cứ mãi đeo bám ta như một cơn cảm cúm dai dẳng. Và mỗi
khi ta nghĩ về nó, từng cảm xúc nó mang lại ngay lập tức ùa về: chân thật và đau
đớn, đến ức nghẹn ở ngực.
Đó là tâm trạng của mình sau đi đọc xong “Mắt Biếc”.
Dù cho khung cảnh thiên nhiên cùng lối sinh hoạt ở làng quê Đo Đo vẫn hiện lên
thật mộc mạc, chân chất nhưng vẫn vô cùng sinh động. Hay nơi thành phố được
khoác lên vẻ xa hoa, sung túc, và náo nhiệt bằng ngòi bút văn chương của bác
Ánh.
Nhưng,
Ở “Mắt Biếc”, ta được đọc về chuyện tình giữa Ngạn và Hà Lan, hay đúng hơn, tình
yêu đơn phương da diết mà Ngạn dành cho Hà Lan. Tình yêu ấy đã kéo dài suốt hàng
thập kỉ, từ thời hai người còn là những cô cậu bé tinh nghịch, ngây thơ; đến khi
hai người đã bước sang tuổi trung niên. Tình yêu ấy, thật nồng nàn, thật da
diết, và ngập tràn sự hi sinh.
Bác Ánh đã làm rất tốt trong việc khai thác các nhân vật trong truyện, khiến cho
ta phần nào cảm thông cho từng động cơ, hành động của mỗi người.
Một Ngạn thông minh, thiện nghĩa, nhạy cảm và si tình.
Một Hà Lan tử tế, bao dung, ngây thơ và trầm mặc.
Một Trà Long ngoan ngoãn, sáng dạ, trung trực và đáng thương.
Thật lạ, khi mình cảm nhận thấy như có một sợi dây liên kết vững chắc giữa mình
với Ngạn. Bởi hai người có vài nét khá giống nhau: đều đem lòng yêu sâu sắc quê
hương, nơi mà mình sinh ra; đều mãi hoài niệm về những ký ức đẹp đẽ xa xôi,
những hồi ức một thời; đều trải lòng qua những nốt nhạc hay những vần thơ; và
đều cương quyết theo đuổi một bóng hình, dẫu kết cục có ra sao.
Mệt mỏi thật đấy, nhưng mà biết phải làm sao? :)
Có một trích đoạn trong “Mắt Biếc” mà mình còn nhớ mãi:
“Trà Long đứng đằng sau lưng tôi tự hồi nào. Khi tôi buông đàn, nó khẽ đặt tay
lên vai tôi bồi hồi không nói. Lâu thật lâu, nó mới hỏi, ngậm ngùi:
- Có phải chú hát về mẹ cháu?
Câu hỏi kề bên mà nghe như ảo ảnh, như có như không. Tôi đáp và nghe tiếng lòng
mình từ xa xăm vọng lại:
- Bản nhạc nào chú cũng hát về mẹ cháu.
Lúc đó, trăng tan.”
Quả thật, từng lời ca Ngạn hát, từng vần thơ Ngạn gieo, tất cả chừng ấy, đều chỉ
dành cho Hà Lan. Tình yêu sâu nặng, tha thiết ấy, vẫn luôn hướng về Hà Lan.
Như Severus Snape vẫn luôn dành một tình yêu sâu đậm cho Lily, mẹ Harry Potter,
tình yêu của Ngạn cũng vậy: vẫn luôn yêu da diết làng Đo Đo, và vẫn luôn yêu tha
thiết Hà Lan.
Đọc đến đây, bỗng nhiên mình thầm tự hỏi: ”Sao có thể giống thế nhỉ?”
Bởi khi lại bản thân, mình chợt nhận ra rằng:
Thì ra, cách yêu của mình với Ngạn cũng đâu có khác nhau?
Dường như từng bài thơ mình từng viết hay sưu tầm ở đây, đều mang thanh âm của
một khúc ca lãng mạn, về mối tình mà mình luôn đau đáu, luôn nhung nhớ?
Đều mang bóng hình một người con gái mà mình biết, mình sẽ dành trọn tình thương
cho cô ấy, sẽ làm mọi điều vì cô ấy, dẫu cho có phải đánh đổi một phần bản thân
mình. Biết rằng tình yêu ấy sẽ lặng thầm và nồng nhiệt, hi sinh và cảm thông,
chân chất và thấu hiểu.
Nhưng liệu rằng, khi đã hiểu được tâm trạng của Ngạn, thấy được sự u mê quá lớn
trong tình yêu ấy, mình sẽ thấy sợ không? Sợ rằng sẽ đến lúc mình yêu một ai đấy
thật say đắm, đến trao trọn cả con tim?
Để rồi khi tình tàn, lòng không thôi day dứt, thôi lo nghĩ, không thể trở về với
cuộc sống hiện tại?
Thôi không sao, bởi dù em có là ai, đang dõi theo tôi từ quá khứ, hay thao thức
đợi chờ tôi ở tương lai,
thì tôi sẽ mãi luôn ở đây, mong mỏi được nói lời yêu em,
như lòng tôi đó, luôn mong chờ…